Một gian hàng chính thức thuộc quản lý của Hằng Du Mục trên TikTok Shop đạt doanh số hơn 58 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I và dự báo quý II vừa được một công ty dữ liệu thương mại điện tử lớn tại Việt Nam công bố đã tiết lộ doanh số trong 3 tháng đầu năm của một số thương hiệu và shop (gian hàng) trên các sàn thương mại điện tử.
Trong đó, đáng chú ý, trên TikTok Shop, gian hàng tên Hằng Du Mục – HANGKAT đạt doanh số 58,1 tỷ đồng trong quý I, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2024. Sản phẩm thuộc thương hiệu Hằng Du Mục được các gian hàng phân phối cũng đạt doanh số 58,7 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng hơn 434%.
Theo tìm hiểu, Hằng Du Mục – HANGKAT là một trong 3 gian hàng chính thức trên TikTok Shop thuộc quản lý của Hằng Du Mục. Các gian hàng này kinh doanh một số sản phẩm như táo đỏ, chocolate, kỷ tử đỏ, nho khô, trà thảo mộc, bánh trứng chảy…

Trong đó, táo đỏ Tân Cương là thương hiệu được nhiều người săn lùng mua trong các phiên livestream của TikToker này, thậm chí có thời điểm mặt hàng trên hết sạch vài tấn chỉ trong vài phút mở bán.
Tuy nhiên, hiện nay các gian hàng này đều đã dừng bán sau khi bà Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục) – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt – bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc “Lừa dối khách hàng” và “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”, theo Điều 198 và Điều 193 Bộ luật Hình sự. Vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera, được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội thời gian qua.
Về thị trường thương mại điện tử trong quý I, theo báo cáo, tổng doanh số đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024 với 950,7 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 24% so với cùng kỳ.
Trong đó, TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh 113,8%, nâng thị phần từ 23% lên 35%. Trong khi Shopee vẫn tăng trưởng 29,3% nhưng thị phần lại giảm từ 68% còn 62%. Ngược lại, Lazada và Tiki lần lượt mất 43,5% và 66,6% doanh số so với cùng kỳ năm trước. Hiện Lazada chỉ còn nắm 3% thị phần.
Trong quý đầu năm, trong khi các gian hàng lớn mở rộng quy mô, thì phần lớn shop nhỏ lẻ dần rời bỏ thị trường. Số lượng shop có phát sinh đơn hàng ghi nhận mức giảm 7,45%, chỉ còn 472.500 shop, tương đương hơn 38.000 shop dừng hoạt động so với cùng kỳ.
Theo dự báo của Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý II có thể đạt doanh số 116.600 tỷ đồng và sản lượng khoảng 1.112 triệu sản phẩm, với mức tăng trưởng lần lượt 15% và 17% so với quý I.