Chiều 3/7, tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ Công an đã cung cấp thông tin cụ thể về hai vụ án gây bức xúc dư luận: sữa giả mang nhãn hiệu HIUP và dầu ăn Ofood được sản xuất từ nguyên liệu dành cho chăn nuôi
Dẫn nguồn tin từ báo Thanh Niên cho biết, tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh văn phòng Bộ Công an cho hay, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô lớn. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bị cáo buộc biến dầu ăn dùng trong chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Ngoài ra, vụ sữa giả HIUP cũng được xác định là hành vi có tổ chức, tinh vi và nguy hiểm.
Theo Bộ Công an, hành vi phạm tội trong các vụ án này diễn ra theo chu trình khép kín, từ việc lập công ty bình phong, nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả đến quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một số người nổi tiếng được cho là đã tham gia quảng cáo các sản phẩm này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.
Trong tháng cao điểm vừa qua, công an các địa phương trên cả nước đã khởi tố 124 vụ việc liên quan đến hàng giả, xử lý hành chính gần 1.000 vụ, cho thấy tình hình diễn biến rất phức tạp.
Về vụ sữa giả HIUP, Bộ Công an đã khởi tố 10 bị can với hai nhóm tội danh: vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, và sản xuất – buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Đối với vụ dầu ăn Ofood, đại diện Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì dầu ăn giả được đưa vào bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Ba đối tượng đã bị khởi tố, gồm: Đặng Thị Phương (Giám đốc Công ty Nhật Minh Food) – bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Nguyễn Trọng Năng (đại diện pháp luật Công ty Minh Phú và Công ty An Dương) – bị khởi tố về tội buôn lậu; Đỗ Thị Ngọc Mai (đại diện pháp luật Công ty An Hưng Phước và Công ty Phước Thành) – bị khởi tố cùng tội danh buôn lậu.
Hiện Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có cả những người nổi tiếng tham gia quảng cáo, nhằm xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.