Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục vừa bị bắt để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Những vi phạm trong quảng cáo bị lật tẩy
Ngày 4.4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thông báo về việc bắt tạm giam Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), cùng 3 người khác để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng. Các bị can bị khởi tố theo Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến gian lận thương mại.
Trong vụ án này, Quang Linh và Hằng Du Mục… đã bán sản phẩm kẹo rau củ Kera, quảng cáo lố rằng một viên kẹo có thể thay thế một đĩa rau. Sản phẩm này được quảng bá rộng rãi thông qua các phiên livestream, thu hút sự chú ý của rất nhiều người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi các khách hàng tiến hành kiểm nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng chất xơ trong kẹo thấp hơn rất nhiều so với thông tin được công ty công bố.
Cục An toàn Thực phẩm đã tiến hành kiểm nghiệm và công bố kết quả, xác nhận rằng thông tin quảng cáo về sản phẩm là sai sự thật, gây nhầm lẫn và lừa dối khách hàng. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã bị xử phạt số tiền 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người cũng tham gia quảng bá sản phẩm này, cũng bị phạt 25 triệu đồng.
Kinh doanh bất chấp sức khỏe người tiêu dùng
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Hà – đại diện Công ty Luật ARC Hà Nội – cho rằng, hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn là một tội phạm nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của cộng đồng.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, trong đó có thực phẩm giả, được quy định tại Điều 193. Người nào sản xuất hoặc buôn bán thực phẩm giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với mức án từ 2 đến 5 năm tù. Đặc biệt, nếu hành vi phạm tội có tổ chức hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng, mức án có thể lên đến tù chung thân.
Mặt khác, hành vi lừa dối khách hàng, theo Điều 198, cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Cụ thể, nếu hành vi gian dối về hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại từ 5 triệu đồng trở lên hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trong trường hợp vi phạm có tổ chức và thiệt hại vượt quá 100 triệu đồng, mức án có thể từ 5 đến 10 năm tù.
Mức án cụ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng hàng giả tiêu thụ, mức độ thiệt hại thực tế, và vai trò của từng bị can trong vụ án. Với hơn 100.000 hộp kẹo rau củ Kera đã được tiêu thụ, đây là vụ án có quy mô lớn, và thiệt hại về sức khỏe người tiêu dùng sẽ là một yếu tố quan trọng để quyết định mức độ hình phạt. Những bị can đóng vai trò chủ mưu hoặc tham gia vào hành vi phạm tội nghiêm trọng sẽ đối mặt với mức án cao hơn.
Các bị can trong vụ án này bị khởi tố về hai tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả thực phẩm (Điều 193) và lừa dối khách hàng (Điều 198). Việc bắt tạm giam các bị can là hoàn toàn hợp lý, khi hành vi phạm tội có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Căn cứ Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự, việc tạm giam là cần thiết để ngăn chặn các hành vi phạm tội tiếp theo, cũng như đảm bảo tiến trình điều tra không bị cản trở.
“Với quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng của vụ án, cơ quan chức năng cần thực hiện biện pháp nghiêm khắc để đảm bảo rằng các hành vi phạm tội như vậy không tiếp tục xảy ra, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng” – Luật sư Hoàng Văn Hà nói.
Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này đã có hành vi sản xuất hàng giả (giả về chất lượng, giả về suất xứ hàng hóa, về nhãn mác…) thì có căn cứ để xử lý hình sự.
Ngoài ra hành vi gian dối để lừa dối người tiêu dùng chiếm và số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì cũng đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng.
Trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này đã sản xuất hàng giả về tem, nhãn, bao bì, giả về sở hữu trí tuệ, giả về công dụng, tác dụng sản phẩm phải giả về nguồn gốc suất xứ hàng hóa hoặc có các hành vi làm giả khác thì sẽ xử lý hình sự.
Người thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ phải đối mặt với hình phạt thấp nhất là hai năm tù, mức cao nhất là tù chung thân theo quy định tại điều 193 Bộ Luật Hình sự.