Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân kể chuyện tâm linh của nghề diễn: “Khi có tà tâm sẽ bị Tổ phạt”
Mới đây, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân đã đăng tải một clip ghi lại hình ảnh chị cúng tổ vào thời gian trước đó – năm duy nhất chị cúng tại nhà riêng. Theo đó, vì không thể cúng tổ ở sân khấu như thường lệ, năm đó, nữ nghệ sĩ tự tay làm các món như gà, heo quay xôi, bánh, chè để cúng tổ tai tư gia. Chị bày tỏ: “Vì điều kiện không cho phép, Tổ nghiệp có lẽ cũng chứng cho lòng thành của chị và thông cảm cho hoàn cảnh này”.
Nhân thời điểm rảnh rỗi, Nghệ sĩ Nhân dân ghi hình lại những tâm sự của mình với Tổ nghiệp.
Nữ nghệ sĩ nói: “Các cô chú, anh chị nghệ sĩ lớn như chú Diệp Lang, anh Bảo Quốc. Mọi người luôn dặn tôi phải cực kỳ thành tâm với Tổ nghiệp. Sau này, tôi cũng dạy lại các đàn em, học trò của mình như vậy.
Ví dụ, nếu mình chuẩn bị làm điều gì đó không đúng, tà tâm là phải nghĩ ngay tới Tổ nghiệp. Tôi nói thật, trong sân khấu có nhiều người hay chèn ép các diễn viên trẻ, lên diễn thì dùng nhiều thủ pháp để dìm bạn diễn.
Trước khi làm những điều đó, phải nghĩ ngay tới Tổ nghiệp. Lúc nào trong tâm niệm cũng phải nghĩ Tổ nghiệp đang nhìn mình, sẽ phạt, sẽ giận mình.
Trong sân khấu, chúng tôi vẫn hay nói với nhau về những nghệ sĩ dù đã lớn tuổi nhưng vẫn được yêu thích, cứ ra sân khấu là tỏa hào quang, hút khán giả là được Tổ thương.
Hay, một diễn viên bình thường ra sân khấu chỉ nói những câu bình thường vẫn được khán giả vỗ tay thích thú, vẫn khiến khán giả cười cũng là được Tổ thương. Nhờ Tổ thương thì hôm đó diễn mới có duyên. Chúng tôi gọi đó là được Tổ đãi.
Còn hôm nào tự nhiên ra sân khấu bị nói vấp, diễn sượng, gặp sự cố nọ kia, còn gọi là bị “xì”, kiểu như là đang tự nhiên lại cười hoặc lúc khóc dữ quá, không nói được thì chúng tôi gọi là bị Tổ trác.
Còn có thêm nữa là Tổ phạt. Tức là cùng một người diễn viên đó, suất diễn trước rất đạt, rất hay, được khán giả vỗ tay rần rần. Nhưng qua suất diễn hôm sau, vẫn là cùng một câu nói đó nhưng khán giả im lặng, không một ai vỗ tay. Thậm chí, người diễn viên đó cố gắng cài tình tiết gây cười vào thì khán giả vẫn không cười.
Hay, trong một vở bi kịch, diễn đêm hôm trước khán giả khóc hết nước mắt, tới đêm hôm sau khán giả không khóc. Chúng tôi gọi đó là bị Tổ phạt.
Tổ thương, Tổ đãi, Tổ trác, Tổ phạt là 4 điều nghệ sĩ chúng tôi phải tâm niệm khi bước ra sân khấu. Chỉ cần nhìn sự tình xảy ra trong buổi diễn hôm đó là chúng tôi biết Tổ đối với mình như thế nào và phải nhớ lại ngay xem hôm trước mình có làm điều gì không đúng để bị Tổ trác, Tổ phạt hay không”.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân, sinh năm 1966 tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Tới năm 9 tuổi, chị cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống.
Những năm học THPT, NSND Hồng Vân đã là thành viên trong Nhà Văn hóa quận Bình Thạnh. Học hết lớp 12, chị thi vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM), bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Từ năm 1989 đến năm 2000, chị là diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM. Từ năm 2001, chị là diễn viên, đạo diễn đồng thời là Giám đốc Công ty Cổ phần Sân khấu Điện ảnh Vân Tuấn.
Trong lĩnh vực sân khấu tại Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân được coi là gương mặt hiếm hoi đạt được thành công ở cả mảng chính kịch và hài kịch. Nhiều nghệ sĩ của thế hệ sau này Tuyết Thu, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Kim Chi, Thái Hòa, Việt Hương… coi chị như người dẫn đường, tiếp sức cho họ trên chặng đường nghệ thuật.
Nữ nghệ sĩ sinh năm 1966 cũng là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh. Chị để lại dấu ấn trong lòng khán giả khi tham gia nhiều bộ phim ăn khách như: Gạo nếp gạo tẻ, Khi đàn ông có bầu, Cô Ba Sài Gòn, Gái già lắm chiêu…
Khoảng cuối năm 2000, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân thành lập Sân khấu kịch Phú Nhuận tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, cho ra đời hàng loạt tác phẩm tên tuổi. Tuy vậy, việc làm “bà bầu” sân khấu cũng đem lại cho chị không ít thăng trầm, vất vả. Tháng 5/2022, Sân khấu kịch Phú Nhuận gặp khó khăn do dịch Covid-19 cũng như Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận thay đổi cơ chế hoạt động. Mặc dù tìm mọi cách cứu vãn, Hồng Vân không thành công, chị phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Ngày 15/9, Sân khấu kịch Hồng Vân chính thức trở lại hoạt động tại địa chỉ mới là Nhà Văn hóa Sinh viên (643 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM).