Vì sao Quyền Linh chỉ bị Bộ Văn hoá nhắc nhở mà không xử phạt?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhắc nhở ông Mai Huyền Linh (MC Quyền Linh) về việc thực hiện quảng cáo thực phẩm không phù hợp.
MC Quyền Linh từng gây tranh cãi liên quan việc quảng cáo một số sản phẩm |
Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngày 17/7), ông Mai Huyền Linh (MC Quyền Linh) bị nhắc nhở về việc thực hiện quảng cáo thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm đã được công bố.
Ngoài MC Quyền Linh, ông Đào Trọng Hùng (diễn viên Doãn Quốc Đam) cũng bị nhắc nhở về việc thực hiện quảng cáo cho sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Đây là sản phẩm bị cấm quảng cáo.
Sở dĩ MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam chỉ bị nhắc nhở vì hành vi quảng cáo của cả hai diễn ra trong khoảng 2023-2024, quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Trước đó, vào chiều 16/4/2025, MC Quyền Linh đăng tải thông báo trên trang Facebook cá nhân, khẳng định anh đang thu thập chứng cứ và lập vi bằng đối với những thông tin sai lệch, nhằm khởi kiện những người tung tin anh quảng cáo sữa giả. Nam diễn viên cho biết anh không quảng cáo sữa giả như mạng xã hội đồn đoán.
Diễn viên Doãn Quốc Đam trên phim trường một bộ phim |
Tại buổi sơ kết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế tăng cường xử lý các trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Cụ thể, Bộ đã xử phạt ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) về hoạt động quảng cáo cho sản phẩm kẹo rau củ Kera và yến sào LoiNest vì gây nhầm lẫn so với chất lượng sản phẩm đã được công bố trước đó.
Ngoài ra, ông Trần Quang Minh (BTV Quang Minh) và bà Nguyễn Thanh Vân (MC Vân Hugo) cũng bị xử phạt tổng cộng 107,5 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 không phù hợp với tài liệu đã công bố, gây nhầm lẫn về công dụng, đồng thời sử dụng tên bác sĩ.
Về việc chặn, gỡ thông tin xấu độc, nội dung vi phạm trên mạng, Bộ đã chặn, gỡ 3.099 bài viết trên Facebook; 913 video và 7 kênh (đăng tải khoảng 12.000 video) vi phạm trên YouTube; 1.284 nội dung vi phạm, bao gồm: 5.600 video và 9 bản ghi âm, 724 tài khoản (đăng tải hơn 35.500 video) trên TikTok; chặn 148/219 game không phép trên kho ứng dụng của Apple và Google.