Mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video chia sẻ lại video của TikToker Tuấn không cận (Nờ Ô Nô, nick name kênh tiktok cũ đã bị khóa) làm nội dung phản cảm khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video chia sẻ lại video của TikToker Tuấn không cận (Nờ Ô Nô, nick name kênh tiktok cũ đã bị khóa) sử dụng hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc để so sánh sự yêu thích với các TikToker khác để làm nội dung trên kênh cá nhân, video này ngay lập tức nhận được chỉ trích mạnh mẽ từ người xem, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Cụ thể, TikToker Tuấn không cận hỏi “giữa Lê Tuấn Khang và Bác Hồ Chí Minh em chọn ai?,…”.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đã nắm được thông tin và đang cho kiểm tra xác minh vụ việc.
Trao đổi với PV, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định hiện nay việc sử dụng mạng xã hội rất phổ biến. Rất nhiều người vì muốn được nhiều theo dõi, nhiều lượt xem mà bất chấp tạo ra các video, trào lưu gây tranh cãi.
“Theo tôi, Lãnh tụ của dân tộc là hình ảnh của sự cao quý và thiêng liêng đối với chúng ta. Đây không còn là sự yêu mến mà là sự kính trọng với tất cả tấm lòng và sự biết ơn vô bờ bến. Và không một cá nhân đơn lẻ nào có thể mang ra để so sánh với hình ảnh ấy.
Tuy video này không có nội dung trực tiếp bôi nhọ, xúc phạm đến lãnh tụ, nhưng việc đưa một người là lãnh tụ, anh hùng dân tộc của đất nước để câu view, cười cợt, đùa giỡn trên MXH là không thể chấp nhận được” – Luật sư Phát nói.
Theo Luật sư Phát, việc cố tình đưa thông tin, hình ảnh của lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc để so sánh, câu view trên MXH là không thể chấp nhận và không phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và có dấu hiệu xúc phạm đến lãnh tụ danh nhân, anh hùng dân tộc.
Bên cạnh đó, hành động này là lợi dụng quyền tự do dân chủ để câu view, có thể mang đến nhiều ý kiến trái chiều, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một đất nước, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu xuyên tạc, kích động, gây rối trật tự công cộng.
Hành vi này có dấu hiệu xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc hoặc vi phạm quy định về trật tự công cộng và cần được xử lý nghiêm.
Hành vi này dấu hiệu bôi nhọ, xúc phạm đến lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “cung cấp thông tin, hành ảnh xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” theo quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với mức tiền phạt là từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng hoặc có thể chuyển hồ sơ cho Cơ quan Công an để tiến hành điều tra xử lý về dấu hiệu của tội phạm.
Nếu trong quá trình điều tra cơ quan công an xác định được động cơ, mục đích phạm tội của cá nhân nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc mục đích xâm phạm lợi ích của nhà nước và đủ cấu thành tội phạm, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
Luật sư Phát cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý hành vi này. Đây không chỉ là vi phạm đơn thuần, mà nó có tác động rất lớn đến nhận thức, gây ảnh hưởng xấuđến xã hội. Đồng thời giúp cho môi trường mạng xã hội được trong sạch hơn.
TikToker Tuấn không cận tên thật là Phạm Đức Tuấn (SN 1996, quê quán tại Phú Quốc, Kiên Giang). Phạm Đức Tuấn từng có kênh Tiktok Nờ Ô Nô, đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.
PV liên hệ với nam TikToker để phản hồi về đoạn clip trên, nhưng chưa liên lạc được. PLO sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.