Thực hư chuyện bà Phương Hằng đầu tư BĐS và định cư ở nước ngoài ra sao, có đúng như dân mạng đồn đoán hay không?
Trước khi bị kết án về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, bà Hằng từng gây bão mạng bởi những tuyên bố “sổ đỏ tính bằng cân” và những cơ ngơi khủng do bà cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “Lò vôi”) đang sở hữu.
CTCP Đại Nam được thành lập từ tháng 3/1996, tiền thân là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ do ông Huỳnh Uy Dũng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Tháng 5/2020, ông Huỳnh Uy Dũng bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành công ty cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản ông đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người.
Tuy nhiên, theo bản đăng ký kinh doanh, hiện ông Dũng vẫn đang là người đại diện pháp luật tại CTCP Đại Nam.
Công ty này hiện đăng ký kinh doanh 127 ngành nghề, trong đó hoạt động chính là bất động sản với nhiều quỹ đất lớn tại Bình Dương, từ khu công nghiệp đến tổ hợp trung tâm vui chơi giải trí.
Khu công nghiệp Sóng Thần 2,3
Hiện tại, khu công nghiệp sóng thần Bình Dương đã phát triển 3 dự án trên địa bàn gồm: Khu công nghiệp Sóng Thần 1, khu công nghiệp Sóng Thần 2 và khu công nghiệp Sóng Thần 3 thì vợ chồng bà Phương Hằng đã sở hữu đến 2 khu công nghiệp Sóng Thần 2, 3.
Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313ha, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng, đạt tỉ lệ lấp đầy cho thuê lên đến 96,5%.
Ngành nghề thu hút đầu tư của Khu công nghiệp Sóng Thần 2 là Dệt, may mặc, giày dép; Điện tử, điện gia dụng; đồ mỹ nghệ; Gia công, chế tạo cơ khí; Vật liệu xây dựng; Chế biến lương thực; gốm sứ và nhà máy điện.
Ảnh: Báo Bình Dương.
Khu công nghiệp Sóng Thần 3 rộng 534ha, tổng vốn đầu tư 936 tỷ, tỉ lệ lấp đầy 67%.
Ngành nghề thu hút đầu tư của Khu công nghiệp Sóng Thần 3 là chế biến các loại lương thực, sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm. Công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, bao bì, in ấn gỗ, mực in, chiết nạp chất tăng trưởng thực vật. Sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện tử, xe đạp, phụ tùng xe đạp.
Khu du lịch Đại Nam
Khu du lịch Đại Nam được xây dựng tại phường Hiệp An, Thành phố Thủ Dầu Một có tổng diện tích hơn 700ha, với quy mô đầu tư 6.000 tỉ đồng được khởi công xây dựng từ năm 1999, đến năm 2008 chính thức mở cửa đón khách.
Khu du lịch Đại Nam. Ảnh: Đại Nam.
Khu du lịch Đại Nam bao gồm dịch vụ vui chơi giải trí như Trường đua Đại Nam, vườn bách thú, đền thờ, biển nhân tạo, nông trại.
Năm 2016, CTCP Đại Nam ra mắt dự án trường đua phức hợp “5 trong 1”, nơi có thể tổ chức được cả đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn lẫn đua xe F1.
Trường đua Đại Nam với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 60ha. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, trong đó có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 – 60.000 khán giả.
Các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, công ty thua lỗ liên tiếp nhiều năm
Hai năm 2016 và năm 2017, doanh thu thuần của CTCP Đại Nam lần lượt đạt 373 tỷ đồng và 405 tỷ đồng. Nhưng cũng trong hai năm này, lỗ sau thuế của công ty cũng đã tăng lên 50,7 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, doanh thu thuần của Đại Nam ghi nhận ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn âm 83,7 tỷ đồng.
Năm 2019, Đại Nam lại chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh khi doanh thu giảm 10% về chỉ còn 409 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.
Lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ, nợ dài hạn 3.915 tỷ.
Mặc dù ghi nhận các khoản lỗ triền miên 4 năm liền, nhưng công ty cổ phần Đại Nam của vợ chồng bà Hằng, ông Dũng vẫn nộp 1.234 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất trong năm 2020.
Theo ghi nhận của Cục Thuế tỉnh Bình Dương, Công ty cổ phần Đại Nam, với nhiều dự án bất động sản tầm cỡ kể trên, đã đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách của tỉnh.
CTCP Đại Nam còn sở hữu một dự án khác là Khu nhà ở Đại Nam với quy mô 105,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, được phê duyệt quy hoạch từ năm 2017.
Đến năm 2019, khi bắt đầu khởi công dự án, CTCP Đại Nam đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép. Đến nay, dự án này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” chờ ngày hồi sinh.
Khu nhà ở Đại Nam đang bị bỏ hoang. Ảnh: Nasaland.
Đầu tháng 9/2023, đại diện Sở Xây Dựng tỉnh Bình Dương thông tin đến báo chí, tỉnh đang rà soát 33 dự án có bố trí quỹ đất 105ha xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Trong danh mục dự án rà soát có Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở Đại Nam. Theo quy hoạch, dự án này bố trí 152.000m2 đất xây dựng nhà ở xã hội cho khoảng 13.000 người lao động có nơi an cư lạc nghiệp.
Một dự án khác tại Bình Phước của CTCP Đại Nam cũng rơi vào cảnh trì trệ là Khu dân cư Đại Nam với quy mô 96,7 ha, được phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 từ tháng 6/2018.
Khu dân cư Đại Nam vẫn “đắp chiếu nằm chờ”. Ảnh: Báo Lao động.
Dù được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng của bất động sản Bình Dương và những lời “hứa hẹn” từ phía chủ đầu tư dự án nhưng sau 3 năm mở bán thì một số hạng mục công trình của dự án như hệ thống cây xanh, lưới điện, đường nội bộ,… dù đã hoàn thành nhưng nơi đây vẫn vắng vẻ, hiu hắt, không bóng người. Thậm chí, do không được sử dụng mà một số hạng mục đã bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Đáng chú ý, trước đây, ông Huỳnh Uy Dũng dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh với diện tích 4.000 m2 trong dự án để khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo nhưng sau xuất hiện “lùm xùm” tố cáo “ăn chặn” và “lừa đảo” của ông Võ Hoàng Yên, ông Dũng quyết định hủy bỏ dự án.
Nhiều dự án nhà cửa đồ sộ
Ngoài Công ty Đại Nam, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng liên quan tới nhiều doanh nghiệp khác tại Bình Dương như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Khai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Tân Định.
Có thể nói, dù thua lỗ ở CTCP Đại Nam nhưng vợ chồng bà Hằng ông Dũng lại thu được lợi nhuận từ các công ty trên.
Tại công ty Xây dựng Đại Nam, năm 2016, doanh thu của công ty này chỉ đạt 10 tỷ đồng, nhưng tới năm 2019 con số này này tăng phi mã 48 lần lên 480 tỷ đồng. Lợi nhuận hai năm gần đây đều xấp xỉ quanh mức 15 tỷ đồng.
Hiện tổng tài sản của Xây dựng Đại Nam đạt 860 tỷ đồng, giảm 48% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 49,6 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.
Với công ty Tân Khai, doanh thu cũng tăng nóng trong nhiều năm. Năm 2019, doanh thu đơn vị này là 189 tỷ đồng, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2018. Tổng tài sản của Tân Khai tính đến cuối 2019 đạt 897 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 84 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40% và 95% so với thời điểm đầu năm.